Sức sống của Thượng Hải không hề bị suy giảm. Sức hút đô thị đang tăng lên hằng năm với sự kiện khánh thành Shanghai Tower có độ cao 632m và khu giải trí Disneyland Thượng Hải. Tuy nhiên, khi đón nhận liên tục những cái mới với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng thì liệu mục tiêu chất lượng có bị mất đi? Không đâu, đối với Thượng Hải thì khác. Đây là nơi có nền tảng văn hóa lâu đời được tạo thành từ những con người “khởi nghiệp” có đầu óc sáng tạo.
Điển hình như anh Gary Wang đã mở club < The Shelter> trên đường Yongfu vào năm 2007 với ý nghĩ “hiện tại chưa có một club nào như thế”. Nắm bắt được thị hiếu khách hàng, anh đã mời các DJ nổi tiếng trên thế giới đến chơi nhạc tại club của mình, dần dần nơi đây trở thành một tụ điểm thu hút rất nhiều fan yêu thích âm nhạc chất lượng cao đến thưởng thức. Sau 10 năm kinh doanh, anh đang ấp ủ ý tưởng tiếp theo là: “Muốn club trở thành một địa điểm được thế giới biết đến. Tuy nhiên, điều này vẫn mới là dự định trong tương lai thôi.” Rocky Liang cũng là một trường hợp tương tự đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Anh bắt đầu làm việc cho tạp chí Phong cách sống [LIFE] vào năm 2006, lúc này chỉ là một tạp chí chuyên về tin tức. Sau 10 năm, tạp chí này đã phát triển và trở thành tạp chí tiêu biểu của Trung Quốc. Ngoài ra, với phương châm “mang đến dấu ấn đậm phong cách sống “chất lượng cao” của Thượng Hải”, anh cũng đảm nhận chức Giám đốc sáng tạo của shop phong cách sống [The Mix Place] vào cuối năm ngoái. Trong không gian hiện đại được cải tạo từ ngôi nhà tập thể của thập niên 1930, hàng nghìn quyển sách và tạp chí được tuyển chọn từ khắp nơi trên thế giới đang được xếp thành hàng ngăn nắp, và ở khu nhà bên ngoài còn xây thêm một quán café và cửa hàng bách hóa để bày bán các loại quần áo và vật dụng khác. Bên trong cửa hàng sách là nơi được dùng để thực hiện các buổi triển lãm và talkshow. Đây là chính những nỗ lực đổi mới tại Thượng Hải.
Hiệp hội nghệ sĩ < island6> thành lập studio kiêm phòng trưng bày tranh tại Khu vực triển lãm nghệ thuật <M50> của Thượng Hải cũng đang thử nghiệm các tiếp cận mới. Tác phẩm tiêu biểu của họ là áp dụng nghệ thuật kỹ thuật số công nghệ cao kết hợp đèn LED vào tác phẩm tranh cắt giấy truyền thống của Trung Quốc, tác phẩm này được khá nhiều người yêu thích vì độ hài hước mới lạ của nó. Đây là sự nỗ lực hợp tác của khoảng 15 thành viên có nghề nghiệp và quốc tịch khác nhau. Người đại diện của nhóm là Thomas Charveriat cho biết: “nhóm chúng tôi bao gồm đạo diễn, quay phim, diễn viên, v.v… muốn truyền tải nghệ thuật đến thế giới như một bộ phim được thực hiện một cách chuyên nghiệp”, và nhóm cũng đang theo đuổi tính năng nghệ thuật xuyên biên giới.
<Dongliang>, một cửa hàng trưng bày nằm trên đường Fumin, là nơi được nhiều tín đồ thời trang trên thế giới tìm đến. Tại đây chỉ có khoảng 10% mặt hàng là nhãn hiệu của các nhà thiết kế Trung Quốc, những người đang được đánh giá cao ngay cả tại Paris, Milano. Tuy nhiên, tầng đầu tiên lại là nơi dành trưng bày các nhãn hàng chưa được biết đến. Khi hỏi lý do vì sao lại như thế thì CEO Justin Peng cho biết là: “Chúng tôi muốn cho các nhà thiết kế tương lai một cơ hội để quảng bá sản phẩm của mình”. Cửa hàng hợp tác với các trường dạy nghề về thiết kế thời trang để mang đến một “nơi trưng bày” dành cho sản phẩm của các sinh viên chưa có tên tuổi trong làng thời trang.
Đối với nhiều người, Thượng Hải nổi bật lên như một đô thị có sức hấp dẫn về tiêu dùng. Tuy nhiên, ấn tượng về một đô thị tương lai có sức mua thuộc dạng “chi mạnh tay” này cũng chỉ là bề nổi bên ngoài. Nếu nhìn sâu xa hơn thì sẽ thấy một Thượng Hải mới ưa chuộng “chất lượng”.